Đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí số ca nhiễm và tử vong ở một số quốc gia ngày càng cao khiến cho nhiều lĩnh vực của đời sống bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong bối cảnh đó, việc thanh toán kỹ thuật số không dùng tiền mặt đã trở thành “cứu cánh” cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã có không ít thay đổi cả tư duy lẫn hành động trong xu hướng kinh doanh và công nghệ, từng bước định hình lại cách thức kinh doanh theo hướng số hoá, tìm “lối ra” phù hợp cho chính doanh nghiệp mình. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người dùng các dịch vụ internet tại Việt Nam thời gian vừa rồi tăng đến 44%, cao hơn nhiều so với khu vực, 94% sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ mới. Tất cả các ngành đều tăng trưởng mạnh so với năm trước, trừ du lịch: Thương mại điện tử tăng 46%, vận tải và thực phẩm tăng 50%, truyền thông trực tuyến tăng 18%... Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số cho thấy sự chuyển dịch tích cực cho kinh tế và xã hội.

(ảnh minh họa)
Cần hoàn thiện khung pháp lý
Trong quá trình phát triển đó, để khuyến khích kinh tế số phát triển đúng hướng, đồng thời vừa có thể kiểm soát tốt mô hình kinh tế này, tránh sự biến tướng, giảm các tác động tiêu cực đến xã hội thì rất cần sự can thiệp của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước lúc này là xây dựng và bảo đảm thực thi có hiệu quả các hành lang pháp lý cho kinh tế số; kết hợp hài hoà giữa các biện pháp quản lý của các cơ quan Nhà nước, sự đồng thuận tự quản của các Hiệp hội Doanh nghiệp, cơ chế cạnh tranh tự điều chỉnh của các nhà cung cấp cùng với việc nâng cao nhận thức của người dùng. Quá trình hoàn thiện khung pháp lý cũng rất cần sự đóng góp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm tránh các tác động không mong muốn đối với sự phát triển của kinh tế số.
Góc nhìn doanh nghiệp
Trong thực tế, hầu hết các văn bản pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều có các quy định về bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng với những nguyên tắc cơ bản. Luật An toàn thông tin mạng cũng dành hẳn một mục để quy định về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng internet, bổ sung thêm các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Nhà nước.
Ông Nguyễn Duy Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY chuyên về các hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh này việc thanh toán trực tuyến được lựa chọn nhiều hơn trong giao dịch thương mại điện tử bởi đây là cách thức hữu hiệu nhất hạn chế lây lan dịch bệnh, tăng tính minh bạch của nền kinh tế, hạn chế các hoạt động kinh tế ngầm, các hành vi tham nhũng, trốn thuế… Tuy vậy, cũng như các doanh nghiệp tại Nghệ An, Doanh nghiệp ông cũng gặp không ít khó khăn khi giao dịch với các đối tác ở xa, “Tiện thì tiện thật nhưng cũng có không ít phiền toái, nhất là công tác kiểm tra chứng từ vỗn dĩ rất phù hợp với trực tiếp nên khi qua internet đòi hỏi hai bên cần có những cán bộ có kinh nghiệm và giỏi công nghệ thông tin”, ông Tuấn bộc bạch. Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, việc bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng cần có các chế tài và các quy định pháp luật phù hợp tránh thông tin của mình bị sử dụng vào những mục đích khác. Khi người dùng e ngại, thậm chí từ chối sử dụng dịch vụ sẽ làm chậm sự phát triển của kinh tế số.
Một trong những quan tâm lớn hiện nay là vấn đề thông tin xấu trên môi trường mạng. Nhiều chính sách, quy định, biện pháp đã được các cơ quan Nhà nước đưa ra nhắm hạn chế vấn đề này. Các quy định này tạo thành một phần quan trọng trong khung chính sách mà các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế số cần phải quan tâm.
Theo ông Nguyễn Phi Cường – Giám đốc Công ty CP Phần mềm Thành Tâm, việc ngăn cấm từ gốc những thông tin xấu độc là rất khó. Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế số đều có các quy định về những nội dung thông tin cần được loại bỏ hoặc hạn chế tiếp xúc trên môi trường mạng, nhưng các quy định dù có chặt chẽ đến mấy cũng mang định tính, chung chung, thiếu rõ ràng. Nhiều thông tin xấu, độc hại tràn lan, đặc biệt là trên Facebook rất khó kiểm duyệt vì máy chủ không nằm ở Việt Nam nên chỉ có thể xử phạt tuy rất hiếm, sau khi đã đăng một thời gian. Việc áp dụng cơ chế tiền kiểm (loại bỏ các thông tin xấu trước khi được đăng tải) và hậu kiểm (thông tin đã đăng tải, nếu có sai phạm thì mới gỡ bỏ) cũng là một vấn đề lớn.
Đối với các nội dung đăng tải trên mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp phải có bộ lọc để loại bỏ các thông tin vi phạm. Tuy nhiên, cũng không có quy định chi tiết, cụ thể về bộ lọc này. Với các thông tin đăng tải trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, pháp luật lại không có quy định doanh nghiệp phải tiền kiểm nội dung. Trong thực tế, các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật đều có các bộ lọc từ khoá để loại bỏ các mặt hàng không được phép bán hoặc các hình ảnh, nội dung đăng tải vi phạm pháp luật.

(ảnh minh họa)
Để ngăn chặn các thông tin bị cấm, ngoài hình thức yêu cầu các đơn vị chủ quản hệ thống thông tin gỡ bỏ, cơ quan chức năng còn có thể sử dụng các biện pháp như yêu cầu thu hồi tên miền hoặc đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông chặn truy cập đối với tên miền hoặc máy chủ.
Trong kinh tế số thì phần mềm, dữ liệu, hệ thống thông tin… là những tài sản có giá trị nhất và là các đối tượng tài sản được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ. Do đó, việc đưa ra các quy định pháp luật và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại tài sản trên sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường đầu tư, giao kết hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế số. Có nhiều hình thức trong bảo vệ tài sản số, trong đó bảo vệ tài sản số bằng pháp luật hình sự được xem là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Bộ Luật Hình sự của Việt Nam đã xác định tội danh với rất nhiều hành vi vi phạm ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế số. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc bị xử lý trên thực tế lại rất ít, thậm chí không có trong một quãng thời gian dài như các hành vi xâm phạm dữ liệu, xâm phạm hệ thống thông tin.
Trong thương mại điện tử và nền kinh tế số, rất nhiều mô hình kinh doanh và giao dịch thương mại mới được tạo ra, đặc biệt là thương mại điện tử. Trong thực tế, quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh này đang là vấn đề có nhiều tranh luận. Đối với các hoạt động kinh doanh, bán hàng trên mạng thì cá nhân, hộ kinh doanh không cần phải mở cửa hàng mà chỉ cần một kho hàng ở một nơi nào đó. Điều này khiến cho việc thu thập thông tin về các cơ sở kinh doanh của ngành thuế ở địa phương gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, việc xác định thuế khoán đối với các đối tượng này cũng khó có thể sử dụng các biện pháp như hiện hành. Bên cạnh đó, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong thời gian qua, ngành thuế cũng gặp không ít khó khăn trong việc xác định được đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ. Trước đây, khách hàng sử dụng dịch vụ xuyên biên giới thường là các doanh nghiệp nên việc cơ quan thuế yêu cầu họ kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, khi doanh thu quảng cáo của các mạng xã hội như Google, Youtube hay Facebook đến từ các cá nhân, hộ gia đình mua bán quy mô nhỏ thì cách quản lý thuế này không còn phù hợp.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ một cơ sở kinh doanh côn trùng trên địa bàn có giao dịch với nhiều đối tác ở các địa phương trong cả nước, thì việc đánh thuế các giao dịch kinh doanh thương mại điện tử hoàn toàn không dễ. Ngoài việc các giao dịch hoàn toàn được thực hiện bằng các phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì bộ dữ liệu và năng lực khai thác dữ liệu trên hệ thống của ngành thuế vẫn còn không ít bất cập, chưa sát với hoạt động kinh doanh trên thực tế. “Chúng ta cần có sự quản lý chặt chẽ hơn, đó sẽ là sự khởi đầu của thành công. Với các cá nhân tham gia kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook chẳng hạn, ngành thuế địa phương cần chịu khó thu thập những thông tin của các đối tượng này để từ đó quản lý, nắm bắt rõ những giao dịch của họ và thu thuế. Tất nhiên điều này là không dễ mà cần có lộ trình, kể cả việc nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ thuế”, ông Thắng nhấn mạnh.
Điểm nghẽn và giải pháp
Từ năm 1997, Việt Nam đã kết nối internet. Trải qua gần 24 năm, các quy định pháp luật liên quan đến mạng toàn cầu này được ban hành ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển internet đã và đang nhanh hơn chúng ta nghĩ. Do vậy, thể chế pháp lý mà chúng ta đang nỗ lực hoàn thiện dường như ngày càng chậm chân hơn; và việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh tế số đang là trọng tâm chính sách của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.
Phát triển internet tốc độ cao đang là cuộc đua của nhiều quốc gia. Hạ tầng kết nối internet của Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực và trên thế giới. Chúng ta đã có 4G từ nhiều năm nay trong khi 5G vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm trong khi quy hoạch tần số hiện tại vẫn chưa phù hợp với 5G. Bên cạnh đó, các rào cản đến từ quản lý dịch vụ số còn gây khó khăn, thậm chí rủi ro cho doanh nghiệp khi khởi sự cũng như khi đi vào kinh doanh. Ở góc độ chính sách và quản trị Nhà nước, sự phân tán đầu mối quản lý và thiếu một cơ quan đủ mạnh để làm chính sách và xây dựng khuôn khổ pháp lý ngành khiến cho Việt Nam tỏ ra khá lúng túng, vẫn đang thiếu một tầm nhìn, chiến lược và chính sách nhất quán, mạnh mẽ cho kinh tế số.
Để giải quyết những “điểm nghẽn” nhằm phát triển kinh tế số ở Việt Nam, ngoài việc hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đủ mạnh thì Nhà nước cần tạo môi trường, hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp công nghệ, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới; trang bị những kiến thức về kinh tế số nhằm làm thay đổi, chuyển biến tư duy, thống nhất nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và các đơn vị kinh tế về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số.
Cuối cùng là, Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân cần phải nỗ lực, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số; đẩy nhanh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và phát triển bền vững./.